KIẾN THỨC ĐẦU TƯ

Lương dưới 10 triệu, tiết kiệm đầu tư như thế nào?

Đôi nét về Mai Trang: MC Mai Trang là nữ MC quen thuộc của loạt chương trình như: Cafe Sáng với VTV3, Gặp gỡ Đông Tây, Tiền khéo tiền khôn,… Mai Trang còn được biết đến là Youtuber, KOL.

MC Mai Trang chia sẻ, cô từng nhận được rất nhiều câu hỏi như: “Em còn không kiếm được nổi 9 triệu thì tiết kiệm kiểu gì chị ơi?” “Thu nhập của em chưa tới 7 triệu, làm cách nào để có thể tiết kiệm đầu tư?”. Vì vậy, Mai Trang làm video lần này với mục tiêu chia sẻ cho các bạn trẻ những tip mà cô đã và đang áp dụng để vừa chi tiêu, vừa tiết kiệm, lại vừa có thể đầu tư được. Cô khẳng định việc này hoàn toàn khả thi và áp dụng được cho mọi người.

Cùng lắng nghe những cách mà Mai Trang áp dụng trong video lần này nhé:

1, Lên kế hoạch chi tiêu
Đầu tiên, bạn cần học cách kiểm soát chi tiêu ngay từ khi nhận lương. Kiểm soát chi tiêu không chỉ đơn thuần là dặn bản thân mình không được mua cái này, không được ăn cái kia, mà còn là thay đổi tư duy và thói quen của bạn. Bạn cần lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng thật cụ thể, rõ ràng.

Mỗi tháng, bạn sẽ có những khoản tiền bắt buộc phải trả. Đó là tiền nhà, tiền điện nước, xăng xe, tiền ăn uống cơ bản để duy trì cuộc sống. Đây được gọi là các khoản thiết yếu, và bạn nên giới hạn tất cả những khoản này trong 50% thu nhập của mình. Nếu lương 10 triệu, đừng thuê nhà đắt hơn 3 triệu, đừng ham ăn uống ngoài hàng quán tốn kém. Hãy nhớ, bạn chỉ có 5 triệu để cân đối tất cả các khoản phải trả mà thôi.

Trong 50% còn lại, bạn chia 30% cho các hoạt động để bồi dưỡng về tinh thần và thể chất khác: cafe, mua sắm, nhảy đầm, học tập,… Đây là các khoản linh hoạt, tức là có thì càng tốt, không có thì không sao. Lương 10 triệu thì bạn có tối đa 3 triệu cho hoạt động này. Còn 20% còn lại, 2 triệu, cần phải dành cho các hoạt động tích luỹ như tiết kiệm, đầu tư, đề phòng ốm đau, khẩn cấp. Như vậy, chúng ta có quy tắc 50-30-20. Thứ tự quản lý nguồn tiền này là: Ngay lập tức bứt 20% lương ra cho vào tích luỹ, sau đó đến thiết yếu, và cuối cùng mới là linh hoạt. Tuyệt đối không ưu tiên cho các khoản linh hoạt bằng bất cứ giá nào.

Vậy, đang yên đang lành, bỗng dưng nhận được 3 tấm thiệp mời trên bàn của đồng nghiệp, bạn bè thì phải làm thế nào? Đi ăn cưới thì chẳng lẽ không mừng 500k, mà không đi thì cũng phải gửi 300 một đám. Thế là bỗng 1 tháng mất 900-1,500K cho đám cưới. Khoản tiền này sẽ được trừ vào đâu? Câu trả lời là hãy trừ nó vào khoản linh hoạt. Tuyệt đối không trừ trong khoản tích luỹ hay thiết yếu. 1 tháng, bạn có thể bớt mua sắm một chút, bớt cafe 1 chút không sao cả. Nhưng nếu bỏ thói quen tích luỹ, bạn rất dễ phá huỷ kỷ luật của bản thân và vỡ kế hoạch, kéo đến nhiều hệ luỵ trong tương lai. Đó là lý do bạn cần nghiêm chỉnh làm theo thứ tự: tích luỹ trước, sau đó đến thiết yếu, rồi mới đến linh hoạt nhé.

2, Không vay nợ tiêu dùng
Thứ 2, tuyệt đối không vay nợ tiêu dùng. Mai Trang bộc bạch rằng cô khá tự hào về bản thân là từ trước đến nay, chưa bao giờ phải vay nợ ai cả. Cũng bởi Trang hiểu được sự đáng sợ của những khoản nợ. Nó không chỉ mang lại gánh nặng về tiền bạc, mà quan trọng hơn là gánh nặng về tâm lý khi chúng ta trở thành con nợ của người khác.

Thông thường, các bạn sẽ không bao giờ phải vay nợ tiêu dùng nếu các bạn áp dụng đúng quy tắc 20-50-30. Nhưng sẽ có những chiếc điện thoại mới, sẽ có những đợt sale khủng khiếp và sẽ có những dịp đặc biệt quan trọng mà bạn muốn đầu tư cho hình ảnh bản thân một chút. Khi những mong muốn này trào dâng, đầu tiên hãy tự nhắc nhở bản thân về thu nhập của mình hiện tại.

Khi thu nhập chưa cao, chúng ta cần kỷ luật nhiều hơn là nuông chiều cảm xúc. Còn nếu muốn có nhiều thứ hơn trong cuộc sống, hãy tìm cách tăng thu nhập hoặc kiên nhẫn hơn. Tuyệt đối không vay nợ, dù là vay bạn bè, người thân hay vay ngân hàng. Ngân hàng hiện nay tung ra rất nhiều gói vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên, cho người mới đi làm như là vay đóng tiền học, vay mua điện thoại, máy tính trả góp, vay mua sắm. Nhưng đã vay thì sẽ phải trả lãi, dù nhỏ thôi cũng đã làm giảm đi thu nhập của chúng ta rồi. Và nếu bạn tính toán một chút, bạn sẽ thấy để mua một chiếc điện thoại theo hình thức trả góp, số tiền mà bạn phải trả tổng cộng sẽ chênh hơn khoảng vài triệu so với giá gốc.

Mai Trang được biết đến khi mới 26 tuổi mà có trong tay nhà riêng, xe riêng tự mình mua được. “Trước kia khi rất muốn sớm có xe ô tô, Trang cũng từng nghĩ đến việc vay tiền ngân hàng để mua trả góp, nhưng may mắn đã kiềm chế được bản thân và đợi đến khi tích luỹ đủ thì mới mua. Bây giờ nhìn lại vẫn thấy đó là quyết định vô cùng sáng suốt” – Trang tâm sự.

Thay vì vay nợ, các bạn hãy tuân thủ quy tắc tích luỹ trước, tiêu xài sau. Như vậy, khi có những việc khẩn cấp cần tiền, bạn có thể dùng khoản tích luỹ này để cứu trợ khẩn cấp.

3, Tập thói quen đầu tư
Bản thân Trang cũng có rất nhiều các cuốn sổ tiết kiệm nhỏ với giá trị không cao, gửi kỳ hạn ngắn. Việc gửi tiết kiệm ngay khi có tiền sẽ giúp chúng mình vừa giữ kỷ luật mà vừa giúp tiền không bị mất giá. Tuy nhiên, điểm bất lợi là nếu mỗi tháng lại mở một sổ 1 triệu hay 2 triệu (tương ứng với 20% thu nhập) thì cũng hơi phiền phức, trong khi gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thì hầu hết các ngân hàng đều cho lãi suất rất thấp, chỉ đủ để giữ tiền không mất giá.

4, Tăng thu nhập
Cuối cùng, Trang khuyên mọi người hãy tìm cách tăng thêm thu nhập bản thân, bên cạnh việc kiểm soát chi tiêu hợp lý. Khoản đầu tư có lời nhất là đầu tư vào chính bản thân mình. Chăm chỉ cải thiện bản thân, học thêm kỹ năng, tăng cường kiến thức,…giúp bạn có thêm cơ hội được trả lương cao hơn so với mặt bằng chung. Theo công thức phân bổ 20-50-30, phần này nằm trong 30% linh hoạt.

Thay vì sử dụng tiền mua sắm, xem phim, cafe, hay tiêu xài vào các hoạt động giải trí khác thì hãy dùng số tiền trong phần này để nâng cao kiến thức, đọc sách, mua một khóa học. Như vậy, không chỉ tiền bạc được sử dụng hợp lý mà thời gian cũng được tận dụng để làm những việc có ích cho chính chúng ta. Tốt hơn 1% mỗi ngày và bạn sẽ thấy được sự thay đổi thực sự. Nếu cứ chăm chỉ thì sau một năm thôi, mỗi chúng ta sẽ có một phiên bản khác tốt hơn hôm nay 37 lần rồi đó.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Tập đoàn Trí Việt

NHẬN THÔNG TIN

©2020 Allrights reserved Tập đoàn Trí Việt

Trụ sở Hà Nội
Địa chỉ: Số 142 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
ĐT: +84 24 3722 4999 - Fax: +84 24 62732058
Email: hotro@tcorp.vn

Chi nhánh Hải Phòng
Địa chỉ: Phòng 310, Tầng 3, tòa DG Tower, 15 Trần Phú, Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng
ĐT: +84 22 5361 0296 - Hotline: +84 911 827 902
Email: chinhanhhaiphong@tcorp.vn

Chi nhánh TP Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 2, toà nhà Topaz, số 66 Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
ĐT: +84 28 3838 5495 - Fax: +84 28 3838 6741
Email: chinhanhhcm@tvsc.vn

Công ty

Sản phẩm - dịch vụ

Tin tức

Kết nối

Về  Tcorp

Về  TVC

Về  TVB

Đầu tư tài chính

Cho vay ủy thác

Tin tức sự kiện

Quan hệ cổ đông

Kiến thức đầu tư

Về  TCH